Hướng dẫn Chi Tiết Cách Trồng Khổ Qua Rừng Sạch, An Toàn,

 

Địa chỉ bán hạt giống cho bạn tham khảo

https://shopee.vn/product/27317075/18660539562/

https://dailyhatgiongcaytrong.com/

 

Những cách trồng khổ qua rừng phổ biến 

Tùy thuộc vào nhu cầu của bạn mà khi bắt tay trồng khổ qua rừng, bạn có thể lựa chọn một trong hai cách trồng khổ qua rừng bổ biến dưới đây: 

Cách trồng khổ qua rừng ngoài đất 

Phương pháp trồng khổ qua rừng ngoài đất được nhiều gia đình áp dụng với mục đích kinh doanh số lượng lớn. Trước khi trồng bạn cần dọn sạch vườn, loại bỏ cỏ dại, dây leo và khử độc cho đất bằng vôi bột nếu cần. 

Tiếp theo thực hiện xới đều đất cho tơi xốp và mổ hốc, mỗi hốc cây cách nhau khoảng 20cm – 50cm, sâu khoảng một lóng tay. Nếu có tro trấu hay cám dừa hãy cho thêm vào mỗi hốc khoảng 100g để giữ ẩm cho cây. Cuối cùng cho hạt giống vào hốc, lưu ý đặt hạt sâu khoảng ½ lóng tay rồi lấp lại và tưới nước giữ ẩm. Sau khoảng 7 ngày, hạt khổ qua rừng sẽ nảy mầm. 

Cách trồng khổ qua rừng trong thùng xốp

Cách trồng khổ qua rừng này được các gia đình bị hạn chế về mặt diện tích và đất trồng sử dụng, điển hình như các khu vực thành phố. Cách trồng rất đơn giản, bạn cần chuẩn bị sẵn đất rồi cho gần đầy thùng xốp đã được thiết kế lỗ thoát nước dưới đáy. 

Tiếp theo bạn thực hiện tạo hốc, mỗi hốc cách nhau 20cm và sâu ½ lóng tay. Sau đó nhét hạt giống khổ qua rừng xuống sâu khoảng ½ lóng tay rồi lấp đất và tưới đủ nước. Lưu ý không tưới quá nhiều nước, tránh làm úng và thối hạt giống. Sau khoảng 7 ngày, hạt khổ qua rừng sẽ nảy mầm. 

Hướng dẫn kỹ thuật trồng khổ qua rừng đơn giản 

Trồng khổ qua rừng không hề khó, những kỹ thuật trồng khổ qua rừng sẽ quyết định tới chất lượng và năng suất quả thu hoạch sau này. Để khổ qua rừng cho sản lượng nhiều, đẹp và đạt chuẩn hãy tham khảo các bước thực hiện dưới đây: 

Bước 1: Chuẩn bị hạt giống

Hạt giống khổ qua rừng hiện nay được bán tại nhiều nhà vườn. Khi mua bạn nên lựa chọn nhà vườn uy tín, chất lượng và mua hạt giống khổ qua rừng F1 nhằm đảm bảo cây sinh trưởng tốt, khả năng chống lại bệnh tật cao và cho năng suất hiệu quả. 

Bước 2: Ngâm hạt giống khổ qua rừng 

Sau khi tìm mua được hạt giống tốt bạn thực hiện ươm hạt giống

  • Pha nước ấm với tỷ lệ 3 sôi – 2 lạnh 
  • Cho hạt giống khổ qua rừng vào ngâm từ 4 tiếng – 5 tiếng
  • Tiếp theo vớt hạt ra và ủ tiếp bằng khăn ẩm, lưu ý ủ thành từng lớp mỏng, không quá dày. 
  • Sau 24 giờ ủ giống chúng ta đem rửa sạch hết lớp vỏ nhờn bên ngoài rồi tiếp tục ủ thêm
  • Khoảng 36 tiếng sau thấy hạt giống có dấu hiệu nứt mầm thì mang đi gieo trồng vào đất đã làm sẵn. 

Bước 3: Xử lý đất trồng 

Mặc dù là giống cây không kén đất trồng, nhưng khổ quá rừng thích hợp trồng nhất ở đất thịt nhẹ, tơi xốp, nhiều mùn và pha cát; có độ pH = 6. Nếu trồng khổ qua rừng trong thùng xốp bạn có thể mua đất sạch được xử lý tạp chất kỹ lưỡng. 

Quá trình làm đất không quá phức tạp, bạn chỉ cần dọn sạch cỏ dại, cây leo xung quanh,…dồn thành đống hoặc phơi khô rồi đốt lấy tro rắc khắp vườn. Tiếp theo tạo hàng và hốc; khoảng cách hàng và hàng bạn nên để từ 60cm-1m; khoảng cách các hốc khoảng 20cm -50cm. Ngoài ra, khi trồng khổ quan rừng cũng cần chú ý tới thời vụ. Nếu gieo trồng vào mùa hè không nên lên liếp cao, còn vào mùa mưa nên lên liếp cao khoảng 30cm – 40cm. 

Lưu ý, khu vực trồng khổ qua rừng hay bất kỳ loại rau quả, thảo mộc nào cũng phải tránh xa khu vực bệnh viện hay nơi có chất thải công nghiệp tối thiểu 2km. Trong đất có thể chứa một lượng nhỏ kim loại, nhưng tuyệt đối không được phép có tồn dư chất hóa học độc hại. 

Bước 4: Tiến hành trồng khổ qua rừng

Hạt giống sau khi được ủ và đất trồng sau khi được xử lý kỹ lưỡng chúng ta bắt đầu gieo trồng. 

  • Cho hạt giống xuống hốc đã tạo sẵn, có thể cho 1-2 hạt trong cùng 1 hốc
  • Gieo hạt tới đâu thực hiện phủ kín đất tới đó, không để hạt gặp ánh nắng
  • Sau khi gieo hạt giống xong, thực hiện tưới nước và giữ ẩm cho cây mỗi ngày. 
  • Bước 5: Chuyển chậu trồng 
  • Bước này được áp dụng nếu bạn lựa chọn cách trồng khổ qua rừng trong thùng xốp. Hạt giống sau khi được gieo từ 4-5 ngày sẽ phát triển thành cây non. Sau đó chúng ta chăm sóc cây trong vòng 20 ngày và chọn những cây có sự sinh trưởng tốt, khỏe mạnh và chuyển qua chậu trộng có kích cỡ lớn với đường kính trên 30cm và chiều cao cũng lớn hơn 30cm. Mỗi chậu có thể trồng từ 1- 2 cấy con. 
  • Bước 6: Làm giàn leo cho cây khổ qua rừng 
  • Sau khoảng thời gian gieo trồng hơn 1 tháng cây bắt đầu ra 5 -6 lá, cao khoảng 25-30cm và xuất hiện tua cuốn thi chúng ta cần làm giàn leo cho khổ qua rừng. Chúng ta có thể tận dụng cây tre nhỏ, thanh sắt hoặc tấm lưới để làm giàn cho khổ qua rừng bám và leo lên. Để cây leo đúng dàn, không bị bò xuống đất chúng ta dùng dây vải buộc nhẹ những ngọn khổ qua vào giàn leo. 

Chi tiết kỹ thuật chăm sóc khổ qua rừng 

Sau khi gieo trồng cần chú ý chăm sóc khổ qua rừng hàng ngày để cây có thể phát triển khỏe mạnh và cho năng suất cao sau này. 

Cách chăm sóc khổ qua rừng nhanh lớn, khỏe mạnh 

  • Tưới nước 2 lần/ 1 ngày cho cây, nếu vào mùa mưa không cần thường tưới nhằm tránh làm úng rễ cây. 
  • Khi cây ra hoa phải cung cấp đủ nước tránh tình trạng để cây bị héo và rụng hoa. Lưu ý khi tưới cây không dùng vòi phun mà tưới trực tiếp vào gốc tránh làm rụng hoa và trái non. 
  • Chủ động thụ phấn cho hoa cái để cây đậu nhiều quả hơn. Mỗi sáng từ 9 giờ – 10 giờ chúng ta ngắt hoa đực và úp vào nuốm hoa cái (hoa đực không có bầu phính ở dưới, hoa cái có bầu phính bên dưới). Ngoài ra, chúng ta có thể nuôi thêm tổ ong mật bên góc vườn để ong giúp thụ phấn cho cây và lấy mật dùng sau này. 

Kỹ thuật bón phân cho cây

  • Cây khi ra 2 -3 lá chúng ta nên pha 1 lít nước với Halifax hoặc phun phân Super Growth để cung cấp dưỡng chất cho cây. Lưu ý, khoảng 7 ngày sẽ phun 1 lần. 
  • Cây được khoảng 20 ngày tuổi thực hiện bón 100g Multi vào mỗi gốc khổ qua rừng. Sau đó cứ 15 ngày chúng ta lại bón 1 lần nữa cho tới khi cây ra hoa và đậu trái 
  • Sau khoảng 40 -45 ngày gieo trồng, khổ qua rừng bắt đầu ra hoa thì ngưng phun Super Growth rong biển cho cây. 
  • Có nhiều trường hợp cây trồng hơn 30 ngày tuổi mà chưa ra hoa. Lúc này chúng ta sử dụng Bloom & Fruit và NPK 6-15-6 (pha với tỷ lệ 5ml mỗi loại với 1 lít nước) hoặc pha 1ml TP108 với 1 lít nước rồi phun ướt đều trên thân lá. Khoảng 7 ngày phun 1 lần để khổ qua rừng ra hoa nhiều hơn. 

Phòng trừ sâu bệnh 

Trong quá trình nuôi trồng khổ qua rừng cần chú ý phòng ngừa một số loại sâu và bệnh thường gặp: 

  • Loại sâu thường gặp ở khổ qua rừng

– Bọ trĩ, bù lạch, rầy lửa: là dạng ấu trùng, thành trùng rất nhỏ màu trắng hơi vàng. Chúng sống tập trung ở đọt non hay mặt ngoài lá non và hút nhựa từ cây làm đọt không phát triển, lá bị xoắn và đổi sang màu vàng đỏ. Chúng ta cần thường xuyên thăm khám cho cây, nếu phát hiện phải diệt trừ từ sớm tránh lây lan rộng. Tuy nhiên đây là những loại sâu có sức đề kháng cao, vì vậy cần thay đổi thuốc diệt thường xuyên. Chung ta có thể sử dụng một số thuốc đặc trị sau để phun cho cây: Pegasus 500EC, Applaund 10WP, Trebon 10EC. 

– Rầy nhớt, rệp dưa: là hai loại ấu trùng và thành trùng nhỏ, có màu xanh vàng. Chúng sống thành từng đám dưới lá non và hút nhựa làm chậm sự phát triển của cây. Để diệt trừ chúng có thể sử dụng Sumi alpha 5EC hoặc Trebon 10EC.

– Sâu ăn tạp: thường đẻ trứng vào mặt dưới của lá, chúng đẻ thành từng ổ và buổi đêm. Sâu non sau khi nở sống thành từng ổ và ăn lá non, ngọn non, sau khi trưởng thành sẽ hóa nhộng trong đất. Để diệt trừ loại sâu này chúng ta dùng que đèo gốc và bắt sâu vào sáng sớm. Ngắt bỏ những lá có trứng hoặc sâu non. Nếu có khoảng 5% cây khổ qua rừng bị hại, hãy dùng thuốc Oncol 5G dạng hạt rắc quanh các gốc cây với khối lượng 2,3kg/ 1ha. Bên cạnh đó, nên kết hợp phun thuốc BT 0,3%. Trường hợp mật độ sâu nhiều từ 10 con/1m2 thì dùng Trebon 10EC 0,1% hoặc Sherpa 25EC hòa nước phun với lượng 0,5 lít/ 1ha. 

– Sâu đục quả: Đây là loại sâu thường gặp và là đối tượng cần loại trừ chính. Loại sâu này đến nay vẫn phải dùng thuốc hóa học để đặc trị, chúng ta có thể sử dụng Pegasus 250SC, Sherpa 25EC, Sumidicin 20 EC 0,1%.

  • Các bệnh thường gặp

– Héo tóp thân, héo cây con: bệnh do nấm gây ra và thường ở gốc cây con, nơi ruộng có độ ẩm cao. Loại nấm này làm cho cây bị khô gốc và héo dần rồi chết. Chúng ta có thể dùng Score 250 ND, 0,5 lít/ha hoặc Aliette 80WP liều lượng 1kg/ha điều trị. 

– Chạy dây, ngủ ngày, chết muộn: Bệnh do nấm gây ra, cây con có dấu hiệu mất nước, héo dần từ ngọn tới thân rồi chết rạp từng đám. Đối với cây trưởng thành sẽ phát hiện bệnh ở hoa và quả bị héo thành từng nhành. Để điều trị chúng ta dùng Aliette, Ridomil, Rovral với liều lượng 1kg/ha. 

– Đốm phấn sương mai: Loại bệnh này cũng do nấm gây ra. Bệnh gây hại từ gốc rồi chuyển dần lên lá và ngọn. Dấu hiệu nhận biết là những vệt màu vàng nhạt, sau chuyển sang nâu. Dùng một số thuốc sau để điều trị bệnh Ridomil, Mancozeb, Aliette 1kg/ha.

Khi sử dụng thuốc bảo vệ thực vật để tiêu diệt sâu bệnh cần tuân thủ các nguyên tắc sau: 

  • Chọn đúng thuốc, đúng đối tượng sâu bệnh
  • Sử dụng đúng lúc, đúng liều lượng
  • Phụ xịt hoặc rắc dưới gốc phải đúng cách
  • Vào thời điểm thu hoạch tuyệt đối không phun thuốc
  • Trước thu hoạch phải cách ly thuốc tối thiểu 10 ngày
  • Quá trình điều trị sâu bệnh có thể kết hợp 1 thuốc sâu và 1 thuốc bệnh trong 1 lần phun nhằm giảm số lần phun thuốc/ 1 vụ.

Trên đây là những thông tin về cách trồng khổ qua rừng và một số kỹ thuật gieo trồng, chăm sóc cây mà bạn có thể tham khảo.

 

 

BÀI VIẾT LIÊN QUAN