Chuẩn bị trước khi trồng đậu cove
1. Chuẩn bị vị trí nơi đặt thùng xốp
Đối với việc trồng đậu cove lùn bằng thùng xốp, vị trí nơi đặt thùng xốp sẽ quyết định đến yếu tố ánh sáng cho cây trồng. Cũng giống như đậu cove leo, đậu cove lùn cũng là loại cây ưa sáng, nên bạn cần chọn nơi có điều kiện chiếu sáng khoảng 8 – 10 giờ/ngày. Nếu thiếu sáng, hoặc gieo trồng đậu dưới bóng râm, cây sinh trưởng phát triển kém, dẫn đến rụng nụ, rụng hoa, làm cho năng suất và chất lượng quả đậu giảm. Như vậy, bạn có thể đặt thùng xốp ở nơi đón nhiều ánh sáng trên sân thượng, sân nhà, thậm chí cả ban công.
2. Chuẩn bị thùng xốp
Đậu cove lùn có bộ rễ thuộc loại rễ cạn, ăn nông và ít rễ phụ, do đó, chúng yêu cầu đất luôn được giữ ẩm, nhưng cũng không thể chịu được ngập úng. Nếu thiếu hoặc thừa nước đều ảnh hưởng tới sự sinh trưởng, phát triển của cây. Khi trồng đậu cove trong thùng xốp, các bạn thường gặp vấn đề bị úng nước hơn là thiếu nước cho cây. Để giải tình trạng ngập úng nước, bạn cần thiết kế thùng xốp sao cho nó có khả năng thoát nước tốt, mà không bị mất chất dinh dưỡng trong đất.
Bạn nên chọn những thùng xốp còn mới, thành dày, chắc chắn và sâu đáy để chứa được nhiều đất hơn. Dùng mũi dao gọt trái cây đầu nhọn cho dễ làm, đâm thẳng vào cạnh thùng cách đáy khoảng 5cm để làm lỗ thoát nước. Bạn có thể chọc 1 – 2 lỗ cho mỗi cạnh của thùng. Lỗ đục không nên quá to vì sẽ làm chất dinh dưỡng của đất dễ trôi theo nước, cũng không nên nhỏ quá khiến nước trong chậu không thoát, gây úng nước. Nếu bạn chuẩn bị chu đáo hơn, có thể tự chế tạo thùng xốp thông minh với các chai nước nhựa, và đây cũng là cách thiết kế mà NNO khuyến khích các bạn làm để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho cây phát triển. Mời các bạn xem bài viết Hướng dẫn cách làm thùng xốp thông minh đơn giản tại nhà để tìm hiểu rõ các bước thực hiện nhé. Ngoài việc dùng thùng xốp để trồng cây, bạn cũng có thể sử dụng các loại khay chứa khác như thùng nhựa, khay nhựa để trồng, chú ý các khay chứa này đảm bảo độ sâu để chứa nhiều đất hơn, và đục lỗ tương tự như với thùng xốp.
3. Chuẩn bị đất trồng và phân bón
Cũng như các cây họ đậu khác, đậu cove lùn là loại cây không kén đất nên có khả năng sinh trưởng, phát triển trên nhiều loại đất. Tuy vậy, loại đất nhẹ tơi xốp, thoát nước tốt, giàu chất hữu cơ là loại đất thích hợp nhất cho cây đậu phát triển. Nếu gieo trồng trên đất thịt nhẹ, đất cát pha, đất phù sa ven sông thì cây sẽ cho năng suất cao. Việc cung cấp dưỡng chất cho đất trước khi gieo trồng là bước không thể bỏ qua trong khâu chuẩn bị. Khi chuẩn bị đất trồng, chúng ta kết hợp với bón lót để cải tạo dinh dưỡng cho đất.
Những nguyên liệu cần chuẩn bị gồm có: đất thịt, các loại giá thể tạo xốp và phân bón. Đất trồng cần được xử lý kỹ như phơi nắng, nhặt sạch cỏ dại để hạn chế mầm bệnh. Bạn có thể sử dụng xơ dừa, mùn cưa, tro, trấu hoặc xỉ than để tạo độ xốp cho đất. Với phân bón, nên sử dụng phân hữu cơ như phân trùn quế, phân chuồng hoai mục, phân gà, phân bò đã qua xử lý để cung cấp dinh dưỡng cho đất. Ngày nay, nhiều người trồng rau sân thượng còn tự ủ phân bón hữu cơ tại nhà, vừa an toàn, vừa tốt cho đất và tận dụng các sản phẩm dư thừa. Bên cạnh đó, bạn cũng có thể sử dụng một lượng nhỏ phân hóa học như đạm, lân, kali để bón lót cho cây.
Sau khi chuẩn bị đầy đủ, bạn đem đất thịt, giá thể tạo xốp và phân bón trộn theo tỉ lệ: 5 phần đất thịt, 3 phần giá thể tạo xốp và 2 phần phân bón hữu cơ (có thể thêm vào 1 lượng nhỏ phân hóa học). Sau đó, cho thêm một lượng nhỏ vôi bột vào trộn đều hỗn hợp này, rồi đem đất đã trộn cho vào thùng xốp.
4. Chuẩn bị hạt giống
Để hạt giống nảy mầm tốt và cây con khỏe mạnh thì bạn cần chọn hạt chắc mẩy, không bị nấm mốc, và mua hạt giống tại các công ty và cửa hàng bán hạt giống có uy tín, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, có trong danh mục giống cây trồng được phép sản xuất, kinh doanh do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành hoặc các giống địa phương, giống cây bản địa đã được sản xuất và tiêu dùng. Bạn nên chọn những hạt giống có thời hạn sử dụng còn dài.
Sau khi mua hạt giống, bạn có thể đem gieo trực tiếp vào đất hoặc tiến hành ủ hạt trước khi gieo, nhưng bạn nên xử lý hạt giống trước khi gieo để loại bỏ hạt xấu, giúp hạt nảy mầm nhanh hơn và cũng loại trừ một phần mầm bệnh. Hạt giống cần ngâm nước ấm (theo công thức 2 sôi 3 lạnh) trong thời gian từ 5 – 6 giờ, sau đó vớt ra đem ủ trong khăn ướt đến khi hạt nứt nanh rồi đem gieo.
Địa chỉ bán hạt giống cho bạn tham khảo
https://shopee.vn/product/27317075/19247922142/
https://dailyhatgiongcaytrong.com/
Công đoạn gieo hạt
Sau khi hạt nứt nanh, bạn mang hạt đậu cove lùn gieo vào thùng xốp. Gieo theo hốc nhỏ, mỗi hốc 2 hạt, và khoảng cách giữa các hốc khoảng 25 – 30 cm. Khi gieo, bạn chú ý điều chỉnh cho rốn hạt tiếp xúc với đất, như vậy hạt sẽ nảy mầm thuận lợi. Sau đó, dùng đất bột phủ một lớp dày khoảng 1 – 2 cm để che hạt, rồi dùng bình tưới vòi hoa sen tưới nhẹ nước cho ẩm đất, tránh tưới mạnh khiến chòi hạt giống.
Cách trồng đậu cove lùn trong thùng xốp
Chăm sóc cây là một khâu quan trọng, ảnh hưởng rất lớn đến năng suất và chất lượng cây, và bạn cần phải làm trong suốt thời gian trồng cây. Đối với đậu cove lùn, bạn cần nắm được kĩ thuật chăm sóc theo các ý dưới đây.
1. Công đoạn tưới nước
Trong quá trình chăm sóc đậu cove lùn, bạn cần nhớ rằng, loại đậu này không chịu được hạn hán cũng không chịu được ngập úng, và nhu cầu của cây đối với nước thay đổi qua từng thời kì sinh trưởng. Chính vì thế, việc thiết kế thùng xốp sao cho thoát nước tốt mà không làm mất dinh dưỡng của đất là rất quan trọng.
Sau khi gieo hạt, tưới nước hàng ngày bằng các dụng cụ tưới có vòi hoa sen để mặt đất ẩm đều và không bị lộ hạt giống. Chú ý không được tưới quá nhiều nước, khiến hạt hút no nước, trương lên làm rách vỏ áo khiến cho hạt dễ bị thối. Khi cây mọc lên, tiếp tục tưới nước ngày 1 – 2 lần vào sáng sớm và chiều mát để đảm bảo độ ẩm cho cây, chú ý không được tưới đẫm quá. Vào ngày mưa, không cần tưới nước để tránh làm cây chết vì úng nước. Độ ẩm phù hợp cho cây phát triển là 65%. Vượt quá 80%, cây sẽ dễ bị bệnh gây hại, hoặc bị úng nước. Đến thời kỳ ra hoa kết trái, đậu cove lùn cần nhiều nước hơn. Phải dùng nước sạch để tưới cây, không được dùng các nguồn nước đã bị ô nhiễm.
2. Công đoạn bón phân
Tuy hệ rễ cây đậu có vi khuẩn nốt sần cộng sinh, có thể cố định đạm tự do trong khí trôi, nhưng thời kì đầu, nốt sần chưa phát triển, và nhìn chung, nốt sần của cây đậu không nhiều như các cây khác trong họ, và lượng phân bón lót không đủ cung cấp cho cả quá trình sinh trưởng phát triển của đậu cove lùn nên vẫn phải tiến hành bón thúc cho cây.
Đậu cove lùn cần được bón thúc 3 lần, khi cây có 4 – 5 lá thật, 7 – 8 lá thật và khi nụ sắp nở hoa. Lần bón thúc đầu chỉ cần bón nhẹ cho cây, hai lần sau bón đậm hơn. Phân dùng để bón thúc là phân hữu cơ (như các loại phân chuồng hoai mục, phân trùn quế), và có thể sử dụng lượng vừa phải phân đạm, các lần sau bổ sung thêm phân kali để giúp cây ra sai quả. Khi sử dụng phân hóa học, không được quá lạm dụng chúng và cần chú ý thời gian cách ly cho cây, ngừng bón phân ít nhất 10 ngày trước khi thu hoạch quả.
3. Công đoạn tỉa cây, dọn cỏ, xới đất
Khi cây có 2 – 3 lá, tiến hành xới nhẹ mặt đất để làm cho mặt đất tơi xốp, và thêm đất vào gốc cây, nhổ bỏ cỏ dại nếu có. Chú ý xới nhẹ đất để tránh làm tổn thương bộ rễ cây, và chú ý xới khi đất khô vì tiến hành khi đất còn ướt, dễ làm tổn thương rễ và gốc cây, tạo điều kiện cho nấm và vi khuẩn xâm nhập vào gây bệnh, đặc biệt là bệnh chết vàng (cây đậu có lá vàng úa rồi chết dần).
Khi cây được 3 – 4 lá, bạn tiến hành tỉa bỏ 1 cây xấu trong hốc, hoặc tỉa trồng vào chỗ cây bị chết, đảm bảo khoảng cách giữa các cây từ 25 – 30 cm.
4. Các biện pháp phòng trừ sâu bệnh
Dù trồng đậu cove lùn tại ruộng vườn hay thùng xốp thì cũng không tránh khỏi việc bị sâu bệnh phá hại. Vì vậy, bạn phải thường xuyên quan sát cây để phát hiện bệnh kịp thời, nhanh chóng đưa ra các biện pháp phòng trừ hiệu quả và an toàn, tránh sâu bệnh phá hại trên diện rộng. Các loại đậu cove nói chung thường bị một số loại sâu bệnh gây hại như sâu xanh, sâu dòi đục quả, sâu cuốn lá, nhện đỏ, rệp, hay bệnh gỉ sắt, bệnh phấn trắng, bệnh lở cổ rễ, bệnh thán thư. Để nắm rõ đặc điểm từng loại sâu bệnh và biện pháp phòng trừ, bạn xem thêm thông tin ở bài viết Sâu bệnh gây hại ở đậu cove nhé.
Để phòng ngừa sâu bệnh khi trồng đậu cove lùn trong thùng xốp, bạn cần chọn mua giống khỏe, bón phân đầy đủ, cung cấp nước hợp lý để cây sinh trưởng phát triển tốt, tăng sức đề kháng các loại sâu bệnh gây hại.
Thu hoạch đậu cove
Đối với đậu cove lùn, sau khi gieo khoảng 45 – 55 ngày sẽ được thu hái quả đầu tiên. Khoảng cách giữa các lần thu hái là 2 – 3 lần, và loại đậu này cho 3 – 4 lần thu hoạch quả. Bạn nên thu đúng lúc khi vỏ quả có màu xanh mượt hoặc vàng đậm và hột mới tượng. Nếu để lâu quá, quả sẽ già cứng, có nhiều xơ và chất lượng giảm.
Kết nối với chúng tôi