Kỹ thuật trồng ngô, bắp bằng phương pháp gieo hạt

 

1. Làm đất trồng ngô, bắp

Ngô có thể trồng được trên nhiều chân đất khác nhau, song phù hợp cho ngô sinh trưởng và phát triển là đất có thành phần cơ giới từ nhẹ đến trung bình: Đất thịt nhẹ đến đất trung bình, đất phù sa ven sông, đất cát pha, đất bồi ven sông, đất đỏ ba gian.... Đất có tầng canh tác từ 30- 40 cm không bị kết von đá ong, thoát nước tốt, độ PH =6,5- 7,5.

Đất được cày bừa nhỏ, sạch cỏ. Nếu đất 2 vụ lúa, trồng thêm ngô vụ đông, cần lên luống rộng 1- 1,1m, cao 30- 40 cm, rãnh luống rộng 0,3 - 0,4m. Nếu đất màu thoát nước tốt có thể làm vạt hoặc làm đất bằng.

2. Thời vụ trồng ngô tại Việt Nam

Ở Nước ta có thể gieo ngô quanh năm. Tuy nhiên từng vùng có thời vụ chính khác nhau:

2.1. Thời vụ trồng ngô ở vùng núi phía Bắc

Bao gồm các tỉnh : Cao Bằng, Bắc Cạn, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Tuyên Quang, Thái Nguyên.

- Vụ xuân gieo từ 15/2 đến 30/2 đất ruộng.

- Vụ xuân muộn gieo từ 1-15/3 trên đất rẫy.

- Vụ thu gieo từ 15/7đến10/8 trên đất nương rẫy.

Các tỉnh Tây Bắc: S ơn La, Lai Châu, Điện Biên, Lào Cai thường chỉ gieo 1 vụ từ 5/3 dến 15/4. ở các tỉnh này vụ ngô xuân, hè thường cho năng suất cao. Vụ thu năng suất thấp hơn.

2.2. Thời vụ trồng ngô vùng đồng bằng và trung du Bắc Bộ

- Vụ ngô xuân: Gieo từ 20/1 đến 15/2 trên đất chuyên màu.

- Vụ hè thu: Gieo 15/4- 25/5 trồng trên đất bãi.

- Vụ thu: Gieo 15/7 đến 10/8 trên đất chuyên màu.

- Vụ đông: Gieo 5/9 đến 30/9 trên đất 2 vụ lúa.

2.3. Thời vụ trồng ngô Vùng bắc trung bộ (có 3 vụ)

- Vụ ngô xuân gieo từ 15/1 đến 15/2.

- Vụ hè thu tháng 5-6.

- Vụ đông gieo 15/9 đến 15/10.

2.4. Thời vụ trồng ngô Vùng duyên hải miền Trung (có 2 vụ)

Vụ 1: Gieo tháng 1

Vụ 2: Gieo 30/4 đến 10/5.

2.5. Vùng tây nguyên : 2 vụ chính

vụ 1: Gieo từ 10/4 đến 10/5 Vụ 2: Gieo từ 15/7 đến 15/8.

2.6. Vùng đông nam bộ có 3 vụ: Vụ hè, thu,vụ đông.

2.7. Vùng đồng bằng sông cửu long

Thường trồng vào vụ xuân khi thu hoạch xong lúa nổi.

3. Bón lót cho ngô, phân chuyên dùng bón lót cho cây ngô

Dinh dưỡng cây trồng: Mục đích bón phân bón lót cho ngô là cung cấp dinh dưỡng cho cây trồng suốt thời kỳ sinh trưởng phát triển. Lượng phân bón lót cho ngô tương đối nhiều chiếm 70% tổng số phân bón cho ngô. Phân bón lót cho ngô chủ yếu là phân hữu cơ, phân chuồng, phân xanh và có thể kết hợp với phân vô cơ, phân lân, kali, đạm. Ở những nơi thiếu phân chuồng có thể dùng bèo hoa dâu bón lót cho ngô cũng rất tốt, bón lót bèo hoa dâu cho ngô không những tăng năng suất ngô mà còn có tác dụng rõ trong việc cải tạo đất.

Có nhiều cách bón lót cho ngô, bắp: bón vãi, bón hốc hay bón theo rạch. Trong điều kiện ít phân nên bón theo hốc, theo các rạch. Khi dùng phân hữu cơ bón lót cho ngô phải dùng phân thật hoai mục, khi bón lót cần chú ý không để hạt giống tiếp xúc trực tiếp với phân vì phân hóa học tiếp xúc với hạt sẽ ảnh hưởng đến quá trình nảy mầm của hạt.

Nhu cầu dinh dưỡng của cây Ngô: Trong điều kiện ở nước ta tổng lượng phân bón cho ngô trên 1 ha là: 8 - 10 tấn phân chuồng, 120 - 150kgN, 60 - 90 Kg P2O5 và 30 - 60 kg K2O. Trong đó, phân chuồng và phân lân dùng bón lót toàn bộ, bón lót 1/3 lượng phân đạm.

4. Kỹ thuật gieo trồng ngô

4.1. Mật độ và khoảng cách gieo

Dựa vào đặc điểm hình thái của giống, thời gian sinh trưởng, tính chất đất, trình độ thâm canh, mục đích thu hoạch ... Mật độ khoảng cách ngô gieo lấy hạt thường trồng trong sản xuất như sau:

- Nhóm giống ngắn ngày có mật độ 70.000 - 80.000 cây/ha. Gieo với khoảng cách 70 x 20 hoặc 50 x 25 cm/cây.

- Nhóm giống trung ngày: 60.000 - 70.000 cây/ha 70 x 25 cm/cây 70 x 22 cm/cây

- Nhóm giống dài ngày: 50.000 - 60.000 cây/ha 80 x 25 cm/cây 70 x 25 cm/cây

4.2. Chuẩn bị hạt giống và cách gieo

Hạt giống trước khi ngâm cần phơi lại dưới nắng nhẹ, để hạt hút nước nhanh và kích thích phôi mầm hoạt động.

Hạt có tỷ lệ nảy mầm 955, 1 ha cần khoảng 25 - 30 kg giống

Ngâm ủ: Nếu gieo ngô trên đất đủ ẩm cần ngâm hạt 10 - 12h (riêng đối với ngô đường và các giống ngô có hạt dạng nhũ bột ngâm khoảng 4 - 5h) cho h ạt hút no nước. Nếu nhiệt độ cao, trời ấm cần thay nước tránh hạt bị chua. Sau đó ủ cho hạt nứt nanh, rồi đem gieo.

Nếu đất khô không nên ngâm mà gieo theo hàng, theo hốc khoảng cách 20 x 30 cm/cây. Lấp hạt sâu 3 - 7cm tuỳ theo độ ẩm đất và thời tiết. Nên gieo tuần tự "2 hạt- 1 hạt" đối với giống có tỷ lệ nảy mầm thấp.

Ngô là cây trồng có khoảng cách rộng. Cách tưới là cho nước vào rãnh để ngấm dần các luống trong một ngày, nâng độ ẩm của đất lên 80 - 90% là vừa.

Ngô được tưới chủ yếu bằng biện pháp tưới phun mưa và tưới rãnh. Tưới ướt đều toàn ruộng một ngày sau khi gieo hạt để cung cấp đủ độ ẩm cho hạt nẩy mầm. Luân phiên tưới nước để đảm bảo trong suốt chu kỳ sống của cây trồng, độ ẩm trong đất luôn cao hơn điểm héo và thấp hơn mức thủy dung ngoài đồng do cây ngô lai rất cần nước nhưng không chịu được ngập úng. Tùy theo điều kiện đất đai và thời tiết mà cung cấp nước thích hợp. Nhất là trong giai đoạn trổ cờ, phun râu và kết trái (giai đoạn 45-75 ngày sau khi gieo). Cây ngô có thể được tưới tràn nhưng phải thoát nước ngay sau đó nhằm đảm bảo đủ độ ẩm trong đất.

Nguồn: Giáo trình gieo trồng ngô - Bộ NN&PT NT

 

BÀI VIẾT LIÊN QUAN