Cách trồng và chăm sóc dâu tây tại nhà cho trái chín đỏ mọng | Cách trồng dâu tây chỉ với 6 bước

Cách trồng và chăm sóc dâu tây tại nhà cho trái chín đỏ mọng | Cách trồng dâu tây chỉ với 6 bước

1. Chọn giống dâu tây

Hiện nay, có rất nhiều cây giống dâu như: Mỹ đá, Hana, New, Nhật lùn, Hàn Santa,…mỗi loại lại có đặc tính sinh lý và điều kiện nhiệt độ khác nhau, tùy vào nhu cầu, sở thích và điều kiện môi trường mà các bạn lựa chọn giống phù hợp nhé. Các loại dâu chịu nhiệt và cho quả thơm ngọt là: Hana và Nhật lùn,… Có 2 cách trồng dâu tây là trồng từ hạt và trồng từ cây con.
- Trồng từ hạt
Gieo hạt giống dâu tây đòi hỏi các bạn phải thật sự kiên trì vì thời gian sinh trưởng kéo dài. Các bạn nên lựa chọn hạt giống dâu tây có chất lượng tốt, tỷ lệ nảy mầm cao (lựa chọn hạt giống còn hạn sử dụng, bao bì nguyên vẹn, không rách hay biến dạng). Gieo hạt trực tiếp vào đất ẩm, tơi xốp mỗi hạt cách nhau 10cm; tưới nước nhẹ dạng bình xịt phun sương vào sáng và chiều tối, sau 10 – 15 ngày hạt sẽ này mầm; ươm đến khi cây được 3 – 5 lá chính thì đem trồng. 
- Trồng từ cây con
Nếu bạn trồng dâu từ cây con thì khoảng sau 2 tháng bạn đã được thu hoạch những quả dâu bói đầu mùa. Tuy nhiên, có một vài điểm lưu ý là chọn cây giống có độ tuổi từ 14 – 17 ngày, cây không dị hình, rễ trắng, chớm đáy bầu, ngọn phát triển tốt. 
 
2. Chuẩn bị đất (giá thể) trồng dâu tây
Nên chọn đất thịt nhẹ, thoát nước tốt. Có thể trộn giá thể theo tỉ lệ 5:3:1 (5 phần đất: 3 phần trấu hun (xơ dừa): 1 phần phân hữu cơ. Dâu tây là đối tượng của nhiều loại sâu bệnh, do đó biện pháp chọn đất, làm đất, xử lý đất phải chú trọng đúng mức để hạn chế nguồn bệnh ban đầu lây lan từ đất. Giá thể (đất) nên được xử lý mầm bệnh bằng cách tưới chế phẩm sinh học nấm đối kháng Trichoderma và ủ trước 10 ngày sau đó mới trồng cây. Chế phẩm này có tác dụng tiêu diệt nấm gây hại trong đất và sản sinh nấm có lợi cho cây.
 
3. Trồng và chăm sóc dâu tây
Các bạn nên chọn chậu có đường kính khoảng 20cm, hoặc nếu chọn loại chậu dài thì khoảng cách cây với cây tối thiểu đạt 30cm. Đáy chậu nên có các lỗ thoát nước thật tốt. Các bạn bóc bỏ bầu bên ngoài, đặt cây cân đối giữa chậu, trồng phải đặt cây thẳng với mặt đất, đào lỗ đủ sâu để lấp hết bầu rễ của cây, tránh làm vỡ bầu cây con, không trồng sâu hay nông quá, cây sẽ không phát triển được. Sau đó để vào chỗ râm mát, tưới nhẹ nước. Sau 5 – 7 ngày cây sẽ bén rễ hồi xanh. Sau khoảng 1 tháng nên bón thúc cho cây, loại phân nên sử dụng là phân hữu cơ vi sinh có bổ sung vi lượng. Dâu tây nên được để khu vực có nắng chiếu 6 – 8 tiếng/ngày.
Để cây sinh trưởng và phát triển ổn định trong giai đoạn đầu ta nên ngắt bỏ chùm hoa bói đầu tiên để kích thích sinh trưởng và ức chế phát dục. Trong giai đoạn thu hoạch, để quả lớn đều, nếu thấy lá, nụ, hoa, quả ra nhiều cần tỉa bỏ những lá già, nụ, hoa,quả dị dạng và sâu bệnh. Trong giai đoạn này cũng nên tỉa bớt ngó để cây tập trung nuôi quả, nếu để ngó thì để từ 1 – 3 ngó và cho ngó vào bầu đất mới để phát triển thành cây con. Những phần tỉa bỏ nên tiêu hủy xa khu vực trồng dâu.
Không nên tưới nước quá đẫm cho dâu tây, khi thấy đất mặt khô se lại thì tưới, 1 – 2 ngày tưới/lần. Trong giai đoạn ra hoa, tránh tưới nước bắn vào hoa, gây hỏng hoa, không đậu quả. Nước tưới nên là nước sạch, không dùng nước máy, có thể dùng nước vo gạo để qua đêm tưới 2 – 3 ngày/lần bổ sung dinh dưỡng cho cây. Có thể sử dụng các dung dịch hữu cơ bón cho cây.
Dâu tây thường bị các loại nhện đỏ, rệp, bọ trĩ và một số loại nấm bệnh phá hoại, vì vậy chúng ta nên thường xuyên theo dõi phát hiện và xử lý sớm, tránh lây lan rộng. Biện pháp xử lý: ngắt bỏ lá già, bị bệnh, bón phân cân đối, giữ vườn thông thoáng, tránh độ ẩm cao, thu dọn tàn dư sạch sẽ. Các bạn có thể sử dụng dung dịch rượu tỏi, ớt; rượu gừng hoặc mù tạt pha loãng phun trị sâu, rệp. Đây là những biện pháp rất an toàn và hiệu quả. Ngoài ra, các bạn cũng nên thường xuyên, xới xáo nhẹ quanh gốc, để cây phát triển tốt.
 
4. Thu hoạch và bảo quản
Dâu tây không chín thêm khi đã thu hoạch, vì vậy để có chất lượng tốt nhất nên thu hoạch dâu tây khi quả đã chín đỏ. Dâu tây không bảo quản được lâu, nếu bảo quản lạnh được 1 – 3 ngày. Tránh làm xước, dập quả vì sẽ ảnh hưởng đến chất lượng. Sau mỗi lần thu hoạch, các bạn nên xới xáo và thêm một chút phân bón hữu cơ vi sinh cho cây, đảm bảo cây luôn có đủ dinh dưỡng cần thiết để phát triển.
 
5. Nhân giống dâu tây
Chúng ta có thể nhân giống dâu tây bằng hai cách khá đơn giản là ươm hạt hoặc tách ngó từ cây mẹ trưởng thành.
Nhân giống bằng cách ươm hạt: Chúng ta có thể tách hạt từ quả rồi đem phơi khô sau đó ươm giống như trồng dâu tây từ hạt. 
Tách ngó từ cây mẹ trưởng thành bằng cách ươm ngó của cây mẹ vào một bầu đất nhỏ có đầy đủ dinh dưỡng hoặc có thể sử dụng bầu xơ dừa đóng sẵn, cố định ngó và chờ cho đến khi ngó lớn thì cắt dây nối với cây mẹ và đem đi trồng. Các bạn chỉ nên nuôi ngó khi hết mùa thu hoạch quả, để đảm bảo cho cây mẹ được khỏe mạnh. Mỗi một cây dâu tây mẹ trưởng thành có thể cho 3 – 4 ngó cùng một thời điểm nên đây là cách ươm rất hiệu quả. 

BÀI VIẾT LIÊN QUAN