Địa chỉ bán hạt giống cho bạn tham khảo
https://shopee.vn/product/27317075/21660676620/
https://dailyhatgiongcaytrong.com/
Măng tây là loại cây trồng vốn có nguồn gốc từ các nước vùng châu Âu, do nhu cầu tiêu thụ măng tây rất cao nên ngoài việc nhập khẩu măng tây từ nước ngoài thì ở nước ta cũng đã học hỏi kinh nghiệm và thử nghiệm trồng măng tây ở nhiều vùng khác nhau và tạo ra nguồn lợi kinh tế rất cao.
Một số điều cần biết khi trồng măng tây
Măng tây gồm có 3 loại giống là măng tây xanh, măng tây trắng và măng tây tím. Tất cả các giống măng tây này đều chứa giá trị dinh dưỡng rất cao. Tuy nhiên được ưa chuộng tiêu thụ và phổ biến trồng nhất vẫn là giống măng tây xanh.
Cây măng tây là loại cây trồng lâu năm, mỗi vụ trồng có có thể mất từ 1 - 3 năm mới có thu hoạch, tuy nhiên chỉ cần trồng 1 lần thì có thể thu hoạch được nhiều vụ trong nhiều năm liên tiếp, tuổi thọ cho thu hoạch của một vụ măng tây khoảng 20 - 25 năm.
Trồng ở ruộng vườn với diện tích lớn rất có giá trị kinh tế, hoặc nếu trồng tại nhà thì cũng có thể sử dụng các loại thùng xốp hay xô chậu có kích thước lớn để trồng cây măng tây.
Măng tây tím, măng tây trắng và măng tây xanh
1. Thời vụ trồng măng tây
Măng tây gieo trồng tốt nhất vào 2 vụ trong năm đó là vào vụ thu đông từ cuối tháng 8 - tháng 3 và vụ xuân hè từ cuối tháng 2 - tháng 6 dương lịch.
2. Điều kiện nhiệt độ
Măng tây là loại cây ưa khí hậu mát và cần được tưới nhiều nước nhưng lại chịu rét và ngập úng kém, vào điều kiện trời nắng nóng thì măng tây cũng khó sinh trưởng tốt. Nhiệt độ thích hợp nhất để trồng măng tây là khoảng 25 - 30°C.
Cây măng tây ưa sáng, cần phải được tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, nếu thiếu nắng và thiếu ánh sáng sẽ khiến cây sinh trưởng chậm và năng suất cũng như chất lượng măng tây thấp.
3. Chọn đất trồng
Măng tây khá kén đất trồng, đất trồng măng tây phải có độ phì nhiêu, giàu mùn và phù sa, loại đất tốt nhất để trồng cây măng tây là đất phù sa, đất thịt nhẹ hoặc đất pha cát. Tuy nhiên cần phải chú ý làm đất kỹ, cày xới đất tơi xốp, bón phân cho đất giàu dinh dưỡng hữu cơ.
Đất cần có độ PH khoảng 6,5 - 7. Cây măng tây không trồng trên các loại đất phèn, đất sỏi đá hay đất ngập úng.
Hướng dẫn chi tiết trồng măng tây
Bước 1: Ngâm và ủ hạt măng tây
Hướng dẫn cách trồng và chăm bón cây măng tây
Hạt giống măng tây
Ngâm hạt:
Hạt giống măng tây lớn và có vỏ rất dày, vì vậy trước khi tiến hành ngâm ủ hạt măng tây thì cần mang hạt giống đem phơi nắng chiều từ 2 - 3 giờ cho hạt khô để tăng cường khả năng hút nước khi ngâm hạt. Sau đó xả bằng nước lạnh, chà xát hạt để rửa sạch bụi bẩn và loại bỏ những hạt hư lép.
Ngâm hạt giống măng tây vào nước ấm khoảng 40 - 45°C từ 15 - 20 giờ. Chú ý cách 4 tiếng nên thay nước ấm một lần. Sau đó vớt hạt ra rửa lại bằng nước sạch.
Ủ hạt:
Sau khi ngâm hạt xong thì tiến hành ủ hạt. Có hai cách ủ hạt dành cho người trồng với diện tích lớn và người trồng tại nhà.
Nếu ủ hạt với số lượng nhiều:
Sử dụng tấm lưới tối màu. Tiến hành rải 1 lớp tro trấu hoặc mùn dày 1 - 1,5cm ở dưới mặt nền hay mặt đất ở chỗ kín trong nhà.
Tiếp theo lót 1 tấm lưới lên trên rồi tiếp tục rải một lớp tro như vậy lên mặt tấm lưới.
Rải hạt đã ngâm lên trên lớp tro trấu, sau đó phủ một lớp tro trấu dày 1cm lên lớp hạt.
Dùng tấm lưới phủ lên bề mặt, mỗi ngày tưới nước 2 lần vào buổi sáng và chiều mát.
Nếu ủ hạt với số lượng ít trồng tại nhà:
Chỉ cần ủ hạt trong khăn ẩm tối màu nhiệt độ 30 - 40°C trong vòng 1 tuần. Chú ý đặt khăn ủ vào khay nhựa để ở nơi kín gió và ánh sáng, cách 12 tiếng phun nước ấm cho khăn 1 lần.
Sau 9 - 12 ngày ủ thì hạt giống sẽ nứt nanh, kiểm tra hạt nảy mầm đều thì lấy ra để hạt ráo rồi đem ươm vào bầu đất.
Bước 2: Ươm hạt giống măng tây
Thời gian ươm hạt giống măng tây có thể mất thời gian từ 2 - 3 tháng, đây là bước quan trọng trong khâu trồng măng tây. Vì vậy khi ươm hạt giống măng tây thì mọi người nên ươm trong bầu đất, tránh ươm trực tiếp trên đất ruộng sẽ rất dễ bị sâu bệnh, nấm, côn trùng tấn công phá hoại hạt giống. Sử dụng những túi nilon tối màu có khả năng tự phân hủy được bán trên trị trường.
Làm đất ươm
Đất để ươm hạt giống măng tây cần phải sử dụng loại đất sạch, tơi xốp và nhiều dinh dưỡng. Trước khi tiến hành ươm hạt 10 ngày thì phải bón vôi cho đất để diệt sâu bệnh trong đất. Các bầu đất cần bón bổ sung các loại phân xanh, tro trấu, mùn mục hoặc phân trùn quế, phân chuồng ủ hoại và phân ure cho đất, cày xới kỹ rồi phơi nắng để diệt mầm bệnh trong đất.
Tiến hành ươm hạt giống với các bước sau:
Cho lượng đất đã xử lý vào các bầu ươm. Tưới phun một ít nước tạo độ ẩm cho đất.
Dùng ngón tay ấn xuống bầu đất tạo lỗ sâu khoảng 1 -2cm.
Cẩn thận đặt từng hạt măng tây đã nứt nanh xuống lỗ rồi lấp nhẹ bằng một lớp mỏng tro trấu mục hoặc đất tơi xốp lên trên hạt. Tưới phun nhẹ nước lên toàn bộ bầu ươm.
Lưu ý: Các bầu ươm phải đục lỗ ở đáy bầu để giúp thoát nước và sau khi ươm xong thì cần phải đặt bầu ươm ở nơi có đủ ánh nắng để kích thích hạt nảy mầm.
Chăm bón măng tây trong thời gian ươm
Vì thời gian ươm hạt măng tây kéo dài từ 3 - 3,5 tháng nên việc chăm sóc các bầu ươm ở giai đoạn này là cực kỳ quan trọng, quyết định trực tiếp đến tỉ lệ cây trồng, cho nên mọi người cần chú ý đến quy trình chăm bón cho bầu ươm như sau:
Tiến hành tưới nước cho các bầu ươm mỗi ngày 2 lần, lưu ý là chỉ nên tưới phun ẩm bằng vòi phun sương.
Sau khi ươm được 10 ngày thì cây con sẽ bắt đầu mọc lên mặt đất. Giai đoạn cây mọc cao được 10cm thì cần bón thúc với dung dịch phân NPK 15-15-15 pha loãng với nước phun tưới cho bầu cây để kích thích sự phát triển của cây. Sau đó cách 10 - 15 ngày thì tiếp túc bón thúc lần 2.
Ở thời điểm sau gieo từ 3 - 3,5 tháng thì cây sẽ mọc cao khoảng 25 - 30cm, thân có 1 - 2 nhánh, lúc này chúng ta sẽ chọn những bầu cây khỏe mạnh, mập mạp và không sâu bệnh đem trồng trực tiếp vào đất.
Bước 3: Trồng cây măng tây
Làm đất trồng
Trước khi tiến hành trồng cây măng tây thì cách từ 2 tháng trước đó cần phải làm đất thật kỹ. Mọi người tiến hành làm đất theo quy trình cách 15 ngày làm đất 1 lần.
Lần 1: Cày đất sâu khoảng 40 - 50cm, dọn sạch cỏ rác, phun thuốc diệt cỏ và thuốc trừ sâu bệnh vào đất rồi tiếp tục cày xới cho đất cho đều.
Lần 2: Cách 15 ngày sau tiếp tục làm đất lần 2, rải vôi khắp mặt ruộng rồi tiến hành cày xới cho vôi trộn đều vào đất, sau đó phơi nắng để tiêu diệt nấm và mầm bệnh có trong đất.
Lần 3: Tiến hành bón lót lần 1 với các loại phân chuồng ủ hoại, rơm rạ hoặc tro trấu, mùn mục, phân trùn quế và phân hữu cơ tổng hợp trộn đều với đất trồng để tăng cường dưỡng chất cho đất.
Lần 4: Cách 15 trước khi tiến hành trồng cây thì tiếp tục cày xới đất cho tơi xốp, dọn sạch cỏ rác. San phẳng đất trồng rồi làm rãnh, lên luống cho đất trồng.
Lần 5: Bón lót lần 2 với các loại phân như lần 1 rồi tiến hành xới đất cho đều và lên luống đất trồng.
Vì cây măng tây không chịu được ngập úng nên cần phải làm rãnh thoát nước với độ rộng và sâu khoảng 20 - 30 cm. Lên luống rộng 1m và cao 20 - 30cm để trồng cây. Lưu ý là nên làm liếp có độ dốc nghiêng về hai bên mép để đất dễ thoát nước.
Trồng cây
Đào các hố đất với chiều sâu và rộng khoảng 20 - 30cm, khoảng cách mỗi hố cách nhau 40 - 50cm và mỗi hàng cách nhau 1 - 1,5m.
Nhấc nhẹ các bầu cây, cẩn thận rạch bỏ túi nilon rồi vùi kín xuống hố đất, dùng đất hai bên luống đôn cho chặt gốc. Phủ một lớp đất, tro trấu, mùn, hoặc phân chuồng ủ hoại xung quanh gốc đôn cao khoảng 5cm để bảo vệ và giữ cây măng đứng thẳng. Chú ý nên trồng vào buổi chiều mát khi nắng đã tắt.
Chăm sóc cây măng tây
Thời gian cây măng tây phát triển từ lúc trồng đến khi cho thu hoạch có thể mất thời gian từ 6 - 9 tháng, vì vậy mà ở giai đoạn này quy trình chăm sóc và bón phân rất kỹ lưỡng.
Tưới nước
Thường xuyên tưới nước để cung cấp đủ độ ẩm cho đất để cây phát triển tốt. Vào mùa nắng thì có thể tưới ngày 2 - 3 lần, chú ý tránh tưới nước cho măng tây vào sau 5h chiều để tránh làm ảnh hưởng đến những mầm măng mới nhú, có thể phủ rơm rạ, tro trấu hoặc sơ dừa để giữ ẩm. Tuy nhiên vào mùa mưa thì cần phải chú ý làm rãnh thoát nước tốt, kiểm tra mực nước tưới tuyệt đối không được để đất bị ngập úng, nếu không cây măng tây sẽ bị thối rễ và chết gốc.
Luôn giữ cây đứng thẳng để cây lấy được ánh nắng toàn phần tạo điều kiện tốt cho bộ lá quang hợp tổng hợp chất hữu cơ nuôi dưỡng cây và bộ rễ.
Bón phân
Sau khi trồng được 15 - 20 ngày thì tiến hành bón thúc lần 1 bằng phân phức hợp NPK đầu trâu 15-15-15 pha với tưới vào gốc cây. Tiến hành vun đất nhẹ cho gốc cây để bảo vệ rễ.
Tiếp tục bón thúc phân NPK 16-16-8 kết hợp với một trong các loại phân bón vi sinh như WEHG, GA3 hoặc Agrostim theo định kỳ cứ cách 10 - 15 ngày một lần cho đến khi thời điểm cách thu hoạch nữa tháng.
Măng tây được 1 tháng:
Ở thời điểm trồng được 1 tháng thì cây măng mọc cao, lúc này cần cắm các cọc có chiều cao từ 1 - 1,5m ở 2 đầu luống rồi dùng dây cước loại chắc bền giăng thành một hàng đôi kẹp lỏng giữa thân cây vào giữa đôi dây, mục đích để giữ hàng cây thẳng và cây không bị đổ nghiêng.
Tăng dần lượng phân bón NPK 16-16-8, bổ sung thêm phân lân và vôi pha với nước để tưới cho cây, để giúp cây sinh trưởng tốt, đồng thời phòng trừ cỏ dại, nấm và sâu bệnh.
Măng tây được 2 tháng:
Thời điểm cây được 2 tháng, lúc này cây măng tây mọc thêm nhiều thân mới, cần cắt tỉa những cây nhỏ, còi cọc hoặc sâu bệnh, chỉ để lại 1 bụi khoảng từ 3 - 4 cây mẹ có thân và lá chuyển sang màu xanh đậm.
Tiến hành vun xới đất cho gốc để bảo vệ bộ rễ. Bón thêm phân phức hợp NPK 16-16-8.
Măng tây được 3 tháng:
Thời điểm cây được 3 tháng cần phải tăng cường giăng thêm các hàng dây tuỳ theo độ cao và độ lớn của cây để chống đổ ngả cây. Vun đất cao cho gốc cây để bảo vệ bộ rễ cây măng tây.
Giai đoạn này cần bổ sung phân chuồng ủ mục, tro trấu, mùn, phân trùn quế và một lượng phân phức hợp NPK 16-16-16-9+TE và Better HG01 để kích thích cây phát triển nhanh.
Vun xới đất đậy gốc và lên luống cao cho cây lưu ý là cần đảm bảo độ cao của mặt luống so với mặt đất tự nhiên là 60 - 80cm. Dọn sạch cỏ dại, tỉa bỏ cây già, cây bị còi cọc và cắt tỉa các cành lá ở phần sát gốc để tạo độ thông thoáng cho cây.
Măng tây được 4 - 5 tháng:
Thời điểm cây được 4 tháng, lúc này cây măng tây mọc thêm nhiều thân mới, lúc này cần chọn giống cây tốt vì vậy trong 1 bụi măng thì chỉ giữ lại 4 - 6 cây mẹ khỏe mạnh. Say đó tỉa bỏ cây già, cây nhỏ và cành lá rậm ở phần gốc.
Làm sạch cỏ và vun xới gốc cây, sau đó bón thúc bằng phân NPK 16-12-8-11+TE vào gốc cây măng tây để kích thích cây mọc nhiều cây con mới.
Măng tây được 6 - 9 tháng
Măng tây sau khi trồng được 5,5 tháng thì tiến hành cắt ngọn cho các cây mẹ chỉ để lại mỗi bụi có chiều cao 1 - 1,2m để cây tập trung trổ măng con.
Vun xới đôn gốc cây rồi tiếp tục tăng cường bón thúc phân chuồng và phân NPK loại 15-15-15 để cung cấp thêm dinh dưỡng cho cây mẹ đẻ nhiều măng non.
Cắt tỉa và làm cỏ
Sau khi trồng măng tây thì cần phải chú ý làm cỏ thường xuyên và liên tục. Kiểm tra tỉa bỏ cây già, cây quá cao, cây nhỏ, còi cọc và tỉa bớt các cành lá rậm ở phần gốc để tạo độ thông thoáng tránh hình thành sâu bệnh gây hại và kích thích việc trổ măng con.
Nếu mật độ cỏ nhiều thì có thể phun một số loại thuốc diệt cỏ chuyên dụng dành cho măng tây như Agropac, Dicamba, Dual, Fagon vàTerbacil, …
Phòng trị sâu bệnh ở măng tây
Cây măng tây trồng trong điệu kiện khí hậu, nhiệt độ, độ ẩm và chế độ chăm bón không hợp lý sẽ thường gặp phải các vấn đề về sâu bệnh làm giảm năng suất và chất lượng măng tây mà mọi người cần phải chú ý đối với các loại sâu bệnh gây hại sau:
Măng tây có xu hướng dễ bị các loại sâu đất, sâu xanh và các loại côn trùng gây hại, để phòng trị sâu bệnh này thì cần phải chú ý đến khâu làm đất thật kỹ, vun xới và lên luống đất cao cho khô thoáng, đảm bảo độ ẩm của đất vừa đủ, làm sạch cỏ dại, cắt tỉa các cành lá già tạo độ thông thoáng. Nếu mật độ sâu bệnh nặng thì có có thể dùng một trong các loại thuốc như Actamec, Abamix, Biocin, Chlorban 50, EC hoặc Vertimec để phun diệt sâu hại.
Các loại rầy rệp, bọ trĩ cũng xuất hiện tấn công cây măng tây, đặc biệt là vào điều kiện khô nóng. Để phòng trị rầy rệp, bọ trĩ gây hại thì cần chú ý đến việc tưới nước cho cây, làm đất thông thoáng. Dùng một trong số các loại thuốc Confidor, Regent hoặc Sagomycine để phun diệt.
Một số loại bệnh gây hại nặng đến sản lượng măng tây đó chính là bệnh nấm và các loại virus gây hại khiến cây măng tây bị thối gốc rễ, cây bị khô héo, các bệnh sương mai.... Nếu phát hiện một trong những dấu hiệu bệnh này thì lập tức dùng luân phiên một trong các loại thuốc như Kasai, Kasumin, Carban, Carbenzim, Daconil, Triscophos, Validan, … Riêng nếu cây bị nấm tấn công khiến măng tây bị thối rễ, chết gốc thì cần phun thuốc Wofatox hoặc Dipterex 0,1% để diệt bệnh.
Thu hoạch măng tây
Măng tây sau khi trồng từ 6 - 9 tháng sẽ cho thu hoạch măng tơ, khi các cây măng con đạt chiều cao từ 20 - 30cm thì tiến hành thu hoạch măng. Chú ý thu hoạch măng tây vào buổi sáng sớm từ 4h - 9h sáng. Cây măng tây sau khi được thu hoạch thì phải phải đem ngay vào nơi thoáng mát, tránh không để tiếp xúc với ánh nắng.
Cách thu hoạch thì chỉ cần dùng tay nắm chặt sát gốc chồi măng, nghiêng cây rồi xoay nhẹ thì chồi măng sẽ tách ra một cách dễ dàng.
Măng tây cho thu hoạch liên tục thu hoạch cây con mỗi ngày trong vòng 15 ngày đầu sau đó tạm ngưng để bón phân cho cây với lượng phân bón NPK 21-7-14 giúp cây dưỡng sức và tăng cường chất dinh dưỡng để mọc lứa măng non mới.
Quy trình thu hoạch cứ thu hoạch 15 ngày thì tạm ngưng cho cây dưỡng sức và bón thúc với lượng phân như trước để tăng cường dinh dưỡng cho cây phát triển tốt.
Sau các đợt thu hoạch thì cứ 3 tháng thì ngưng thu hoạch để tránh làm cây bị kiệt sức. Tiến hành đổi cây mẹ bằng cách tỉa bỏ cây già, trong một bụi chỉ giữ lại 3 - 4 cây mẹ.
Vun xới gốc cho cây và bón thúc thêm phân trùn quế hoặc phân chuồng ủ hoai kết hợp với phân NPK 21-7-14 để kích thích cây tiếp tục sinh trưởng và cho nhiều chồi măng năng suất chất lượng hơn.
Bón thúc phân đều đặn cách 15 ngày 1 lần với lượng phân NPK 21-7-14 và một trong các loại phân bón lá Agrostim, GA3 hoặcWEHG để tăng cường năng suất và chất lượng măng tây.
Trong thời gian 1 - 3 năm đầu thì sản lượng măng tây cho thu hoạch chưa được cao, từ năm thứ 4 trở đi thì mới bắt đầu cho thu hoạch măng có năng suất và chất lượng cao hơn. Nếu chăm bón tốt thì mỗi vụ trồng măng tây sẽ cho thu hoạch kéo dài suốt 20 - 30 năm, đảm bảo hiệu quả kinh tế cao.
Kết nối với chúng tôi