Hướng dẫn Kỹ thuật trồng dưa lưới vỏ vàng ruột vàng cho người mới bắt đầu

 

Thời vụ trồng

Dưa lưới là loại cây trồng cần nhiều nắng để có thể phát triển tốt. Tại Việt Nam, hầu hết các giống dưa lưới có thể trồng từ tháng 2 - tháng 9 hàng năm. Dưa lưới có thời gian sinh trưởng và phát triển là khoảng 60 - 120 ngày tùy theo giống dưa. Nên bắt đất gieo cây từ khoảng tháng 2, tháng 3. Như vậy, thời điểm thu hoạch sẽ vào tháng 4 - tháng 5 là thời điểm nắng nhiều sẽ cho quả dưa lưới có chất lượng cao. 

Lựa chọn vị trí trồng

Nơi trồng dưa lưới cần đảm bảo yếu tố đầu tiên là phải có đầy đủ ánh sáng và nắng. Trồng dưa lưới tại nơi thiếu ánh sáng sẽ khiến cây khó phát triển, quả ra không đảm bảo độ ngọt và hình thái. 

Ngoài ra, nơi trồng dưa lưới nên là nơi cao ráo, không xảy ra ngập úng. Bởi ngập úng xảy ra đặc biệt là vào giai đoạn thu hoạch sẽ khiến chất lượng quả dưa lưới bị ảnh hưởng rất nhiều.

Lựa chọn phương pháp canh tác

Hiện nay, có 2 phương pháp canh tác chính đang được lựa chọn để trồng dưa lưới là trồng trên nền giá thể (thủy canh) hoặc trồng trên nền đất ( cách trồng truyền thống). 

Mỗi phương pháp này đều có ưu nhược điểm riêng. 

- Phương pháp truyền thống; Tốn ít chi phí và công sức cho việc đầu tư hệ thống trồng ban đầu hơn.

- Phương pháp thủy canh: Hạn chế vấn đề sâu bệnh, cỏ dại tốt hơn. Dễ dàng kiểm soát chất lượng quả hơn. 

Để giảm bớt thời gian chăm sóc dưa lưới, bạn có thể lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt tự động cho cây. 

Chuẩn bị gì trước khi trồng dưa lưới

Chuẩn bị hạt giống

Hiện nay có rất nhiều loại hạt giống dưa lưới được bán trên thị trường. Để lựa chọn được loại hạt giống dưa lưới chất lượng tốt bạn nên lưu ý:

- Chọn loại hạt giống F1 thuần chủng

- Chọn hạt giống từ các đơn vị có thương hiệu hoặc từ các nhà vườn chuyên trồng dưa lưới như DFarm

- Tìm hiểu kỹ về hình thái, độ ngọt quả dưa và trọng lượng quả khi thu hoạch 

Địa chỉ bán hạt giống cho bạn tham khảo

https://shopee.vn/product/27317075/17886216259/

https://dailyhatgiongcaytrong.com/

Chuẩn bị đất trồng hoặc giá thể trồng

Nếu bạn chọn trồng dưa lưới theo phương pháp truyền thống, bạn cần chọn loại đất đảm bảo được 3 yếu tố: độ sạch, độ tơi xốp và chất dinh dưỡng. Dưa lưới là loại cây đặc biệt cần trồng trong loại đất có độ tơi xốp cao để rễ cây có không gian phát triển. Vì thế không phải loại đất sạch nào cũng phù hợp để trồng dưa lưới. Bạn có thể lựa chọn loại đất sạch có pha trộn thêm xơ dừa, phân trùn quế, hoặc dịch trùn quế.

Ngoài ra bạn có thể tự trộn đất trồng dưa lưới bằng cách: Lấy xỉ than tổ ong, ngâm nước một ngày một đêm. Vài tiếng bạn lại thay nước để loại bỏ tạp chất trong than. Tiếp đến bạn vớt than ra trộn theo tỉ lệ 40% đất thêm 40% xỉ than thêm 20% trấu trộn đều lại với nhau là xong.

Nếu bạn trồng dưa lưới bằng phương pháp thủy canh, bạn nên mua loại xơ dừa đã qua xử lý với tỉ lệ xơ dừa : mụn dừa ít nhất là 80%:20%. Hoặc có thể tự mua xơ dừa và vỏ trấu sau đó xử lý và làm sạch. 

Chuẩn bị phân bón

Phân bón cho dưa lưới có thể dùng phân NPK hoặc bạn có thể lựa chọn các loại phân hữu cơ như phân trùn quế, phân chuồng hoai mục, đạm cá, phân gà hữu cơ, phân chuối ủ,... Tuy nhiên cần nghiên cứu kỹ hàm lượng và cách sử dụng các loại dinh dưỡng này. Điều này sẽ được đề cập ở phần kỹ thuật trồng dưa lưới trong bài viết này. 

Nếu bạn trồng thủy canh thì có thể dễ dàng tìm mua các loại dinh dưỡng chuyên dụng cho dưa lưới tại các đơn vị phân phối bán dinh dưỡng như Hachi, Gwall,...

Chuẩn bị nguyên vật liệu khác

Ngoài những nguyên liệu chính kế trên bạn có thể cần chuẩn bị thêm một số vật tư, nguyên liệu khác như:

- Bầu trồng hoặc chậu trồng cây. Bạn nên chọn loại bầu trồng có được kính từ 20cm - 30cm chiều cao ít nhất từ 40cm. Hoặc có thể trồng trong các chậu nhựa có lỗ thoát nước với dung tích tương tự. 

- Chế phẩm ngừa sâu bọ: Việc phát sinh sâu bệnh trong trang trại trồng dưa lưới là việc hoàn toàn có thể phát sinh đặc biệt là khi bạn trồng không trong một môi trường khép kín. Vì thế, nên chuẩn bị trước các loại chất phẩm sinh học ngừa sâu bệnh để có thể kịp thời xử lý ngay khi phát hiện ra các dấu hiệu của sâu bệnh hại. Các loại chế phẩm ngừa sâu bọ có thể dễ dàng tìm thấy tại các cửa hàng nông nghiệp hoặc bạn có thể tự tạo các loại chế phẩm tỏi ớt, ... 

- Khay ươm: Bạn có thể chọn ươm cây trực tiếp trong bầu trồng. Tuy nhiên việc ươm cây con tại khay ươm trong 1 khu vực riêng sẽ giúp kiểm soát tốt hơn chất lượng của cây con. Đồng thời, bạn sẽ dễ dàng hơn để chọn lựa các cây con khỏe nhất trước khi đưa lên bầu trồng, 

Kỹ thuật trồng cây dưa lưới cho người mới bắt đầu

Ươm hạt và trồng cây con

Tùy theo loại giống cây trồng mà giai đoạn ươm hạt sẽ được thực hiện theo những cách khác nhau. Và bạn nên tham khảo thêm thông tin từ nhà cung cấp giống để biết chính xác nhất cách ươm cho giống cây mà mình lựa chọn. Tuy nhiên, các ươm dưới đây là cách ươm thông thường mà chúng ta có thể áp dụng khi ươm dưa lưới:

  • Ngâm hạt với nước ấm (2 sôi : 3 lạnh) từ 4 – 6 tiếng. Sau đó, dùng vải có khả năng giữ ẩm tốt để ủ hạt.
  • Sau 24h ủ, hạt bắt đầu nứt nanh thì tiến hành cho vào bầu ươm.
  • Sau đó, phủ một lớp mỏng đất đã chuẩn bị, để nơi râm mát và tưới nước giữ ẩm.
  • Sau 2 ngày, hạt bắt đầu nảy mầm.
  • Sau khoảng 10 ngày hoặc đến khi cây con mọc 2 lá thật thì đưa lên bầu trồng

Trong khoảng 3 ngày đầu từ ngày hạt nảy mầm, bạn chỉ cần tưới nước trắng để cây phát triển. Sau đó, có thể tưới dinh dưỡng pha loãng nồng độ thấp trước khi đưa cây con lên chậu trồng. 

 Đưa cây con ra bầu trồng

Cho đất trồng hoặc giá thể trồng vào bầu trồng. Thực hiện giai đoạn này và khi trời đã tắt nắng. Trong quá trình trồng cần lưu ý thực hiện nhẹ nhàng tránh khiến cây con bị đứt rễ hoặc lá. 

Chăm sóc cây dưa lưới

Tưới nước cho cây

Có thể thực hiện tưới theo phương pháp thủ công hoặc lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt vào từng gốc cây. Hạn chế tối đa việc khiến nước đọng trên lá cây để giảm thiểu nguy cơ cây bị nấm bệnh. 

Giai đoạn từ khi đưa cây lên bầu  đến khi cây ra được 4 lá thật thì cần tưới khoảng 0.5 lít – 0.7 lít nước mỗi cây/ngày tùy theo điều kiện thời tiết, nếu nắng nóng thì bạn có thể tưới nhiều hơn 1 chút nhưng nếu trời mưa thì có thể tưới ít hơn. 

 Giai đoạn tiếp theo khi cây đã ra được 3-4 lá thật, cần tưới phân đạm cho cây để giúp cây phát triển nhanh và thân vươn dài. Cứ 1/2 chén Đạm (bằng chén uống nước trà) bạn đem hòa cùng 7-8 lít nước rồi tưới cho cây.

Khi cây đã ra được nhiều lá và xuất hiện nhiều nụ non thì bạn pha theo tỷ lệ 3 Đạm : 1 Lân : 2 Kali cùng 7 – 8 lít nước, tưới cách ngày cho cây để cây đủ chất dinh dưỡng phát triển.

Khi quả non bắt đầu nhú, thì bạn pha tăng Lân lên khoảng ⅔ chén để quả ra nhiều và nhanh lớn.

Làm giàn hoặc dây leo 

  • Khi cây có 5 – 6 lá thật thì tiến hành làm giàn cho dưa lưới.Giàn dưa lưới có thể làm bằng cọc gỗ, kim loại. 
  • Có thể đóng cọc hoặc dùng dây nilon buộc nhẹ vào giàn lưới.
  • Dưa lưới có quả to, nặng nên chú ý đến việc treo quả và tránh để quả làm gãy thân. Nếu làm bằng dây leo có thể chọn loại dây leo chuyên dụng cho dưa lưới từ các cửa hàng vật tư nông nghiệp. 
  • Khi cây có 5 – 6 lá thật cần tiến hành cắt tỉa hết các nhánh lẻ, chỉ giữ lại nhánh lẻ khi cây phát triển đến lá thứ 8.
  • Trong vòng 3 – 5 ngày sau khi ra hoa, cần tiến hành thụ phấn để đạt chất lượng cao nhất. Nếu số lượng ít có thể thụ phấn thủ công bằng tay bằng cách lấy hoa đực vặt cánh, xoay đều xung quanh nhụy hoa cái. Sợ không đủ phấn thì có thể dùng 2 – 3 hoa đực/1 cái.
  • Khi cây lớn được 22 – 25 lá thì tiến hành ngắt bớt ngọn để cây tập trung nuôi quả.

Thụ phấn

Để tự thụ phấn cho dưa lưới bạn cần phân biệt hoa đực và hoa cái trên cây. 

  • Nếu là hoa cái thì mặt dưới của bông hoa sẽ phình to hơn và trông giống như một quả dưa nhỏ.
  • Nếu là hoa đực: Bên dưới hoa không phình, không có quả nhỏ, không bị héo ngay sau khi ra hoa.

Trước khi thụ phấn, cần kiểm tra nhị phấn hoa đực đã đạt để thụ phấn chưa? Để kiểm tra, bạn lấy ngón tay chạm vào nhị hoa đực nếu có thấy dính những bột vàng thì hoa đã đạt dùng để thụ phấn. Hoa cái cũng cần kiểm tra , lấy đầu ngón tay chạm vào đầu nhụy nếu thấy dính nghĩa là sẵn sàng để thụ phấn. Nếu thụ phấn quá sớm hay quá muộn thì hoa sẽ rụng và héo không có quả.

Có thể thụ phấn bằng 2 cách sau:

  • Cách 1:  Khi hoa đực mới nở, bạn ngắt cánh hoa chỉ để lại nhị hoa và cắm trà của hoa đực vào nhụy hoa cái đang nở.
  • Cách 2: Lấy tăm bông nhẹ nhàng chà đầu bông lên phần nhị hoa đực sau đó nhẹ nhàng áp đầu bông vừa chà trên hoa đực sang hoa cái. Cần chà nhẹ nhàng và thật cẩn thận để không làm hỏng hoa cái

Một hoa cái được thụ phấn thành công sẽ cho kết quả sau 2 – 3 ngày. Khi hoa đực đã rụng và hoa cái đang dần co lại, quả dưa lưới nhỏ phình ở bên dưới vẫn đang phát triển thì điều này chứng tỏ việc thụ phấn đã thành công.

Thời gian thích hợp để tiến hành thụ phấn cho hoa là khoảng 6 - 8h sáng. Khi hoa cái chuyển vàng và đang có dấu hiệu sắp nở thì bạn có thể tiến hành thụ phấn ngay. 

Thu hoạch quả dưa lưới

Thu hái và bảo quản dưa lưới

Thời gian thu hoạch dưa lưới phụ thuộc vào giống dưa. Trung bình sau khoảng 2 - 3 tháng từ sau khi trồng là bạn có thể tiến hành thu hoạch dưa lưới. Trước khi thu hoạch, bạn nên ngưng tưới nước 5-7 ngày để dưa có thể giòn và ngọt hơn. 

Bạn cũng cần căn cứ vào kích thước hình dáng quả dưa và các vân lưới trên dưa để xác định được quả dưa này đã thu hoạch được chưa. 

Trên đây là những thông tin về kỹ thuật trồng dưa lưới cho bạn từ khâu chuẩn bị đến khâu thu hoạch.

 

 

BÀI VIẾT LIÊN QUAN