cách chăm sóc và cắt tỉa quất cho ra quả đúng dịp tết | Bí kíp trồng và chăm sóc cây quất cảnh
Giai đoạn 1: Trồng cây dự bị (thời gian 2 năm).
1. Chuẩn bị cây quất giống
Giống quất trồng dự bị được chiết từ cây lớn (quất không trồng bằng hạt vì lâu ra quả hơn nhiều). Những gia đình trồng quất thường có 2-3 cây quất lớn (trồng lâu năm) để chiết ra được nhiều cây con, những hộ chưa có cây để chiết thì có thể đặt hàng tại những nhà vườn có cây chiết. Giá trung bình khoảng 10-15.000 đồng/cây.
Nên chiết cây vào tháng 12 âm lịch (để trồng vào mùa xuân) cây sẽ phát triển tốt hơn. Sau 2 tháng rễ bắt đầu phát triển, lúc này ta có thể cắt tách cây đem trồng.
Chọn cành để triết làm giống: chọn cành to bằng ngón tay út, không sâu bệnh, cành lá phát triển đều, da đang ở dạng màu xanh đậm.
Mục đích là để cây phát triển tốt, rễ phát sau khi chiết nhiều. Cách chiết: cũng giống như các loại cây trồng khác như cam, bưởi,… chiết quất cũng cần tiến hành khoanh vỏ dài 2cm, cạo hết lớp tượng tầng (lớp nhầy) xung quanh cành để tránh tái sinh vỏ, để cho khô (khoảng 1 -2 ngày) sau đó dùng xơ dừa ẩm bó lại bằng bao nilon trong, cột chặt 2 đầu không để thoát hơi nước ra ngoài tránh bị khô. Như vậy sau 1,5 đến 2 tháng cây sẽ ra rễ, khi nhìn bên ngoài thấy rễ trắng mọc ra là có thể cắt và đem trồng.
2. Chuẩn bị đất trồng cây quất
Hố trồng cần bón 1-2kg phân vi sinh hoặc 3-5kg phân chuồng hoai mục để bón lót.
Khoảng cách trồng cây cách cây 50cm, hàng cách hàng 1m.
Tùy thuộc vào khu vực đất cao hay trũng để có thể lên líp hay không. Nếu đất trũng thì cần phải lên líp để tránh tình trạng ngập úng vào mùa mưa. Vì đây là cây kiểng và đòi hỏi nhiều kỹ thuật nên đất trồng phải được chuẩn bị thật tốt. khu vực đất trồng rau màu, đất trồng cây ăn trái đều có thể trồng được quất.
3. Chăm sóc
Để cây phát triển tốt trong giai đoạn đầu cần chăm sóc và quản lý tốt như: bón phân, tưới nước, làm cỏ, phòng trừ sâu bệnh, …
Hàng năm sửa tán 3-4 lần, mục đích là làm cho tán phát triển đều và theo hình chóp nón.
Chú ý khi sửa tán xong thường xuyên xử lý thuốc BVTV để phòng trừ sâu bệnh mà đặc biệt là sâu vẽ bùa hại lá. Bón phân 3 lần/năm loại phân là DAP, NPK và phân vi sinh. Bón rải theo gốc, cách gốc 15cm kết hợp vun gốc lấp phân. Lượng phân 120g – 150g NPK 20-20-15 + kg phân vi sinh/gốc/năm.
Vào mùa khô tưới mỗi ngày 1 lần. Tưới ướt đều mặt đất. Vào mùa mưa phải có rãnh thoát nước.
Mỗi lần cây ra hoa và trái non phải vặt bỏ hết hoa và quả (mục đích là để nuôi thân và cành).
Giai đoạn 2: chuẩn bị cây trồng thương phẩm (7 tháng)
Cây quất trồng dự bị 2-3 năm là có thể cho quả để phục vụ tết
Nếu tính theo lịch âm thì thời kỳ làm quả bán tết là đầu tháng 5. Lúc này phải bứng cây chuyển chỗ, mục đích là làm đứt rễ, kích thích sinh trưởng phát triển trái. Sau 1 tháng cây sẽ phân hóa mầm hoa và tạo quả. 20 ngày sau trồng bón phân hữu cơ hoặc phân vi sinh (hạn chế sử dụng phân hóa học). Cụ thể mỗi tháng nên bón 2 lần phân 250 gốc bón 10 kg hạt đậu nành tươi, xay nhuyễn bằng máy xay sinh tố để ngâm tưới + 5kg DAP.
Mỗi tuần phun xịt 1 lần thuốc phòng trừ sâu bệnh hại hoa và quả non. Đặc biệt là thuốc chống ghẻ quả và kết hợp phân bón lá dưỡng trái. Chú ý là phải luân phiên, thay đổi thuốc để tránh tình trạng lờn thuốc của sâu bệnh.
Khi trái bằng đầu ngón tay thì hạn chế sử dụng thuốc sâu. Lúc này đặc biệt sử dụng phân bón lá để tạo trái to, bóng và đẹp. Đồng thời kích thích cho cây tiếp tục ra trái và phóng đọt non sẽ làm cho cây vừa có trái già, trái xanh, trái non, hoa và đọt.
Kết nối với chúng tôi